TOP 10 KỸ NĂNG CÔNG VIÊC PHẢI CÓ TRONG NĂM 2025

 

Hôm đầu tuần này, tôi có một buổi chia sẻ và nói chuyện với các bạn Newbie mới vào công ty dưới 1 năm, dĩ nhiên các bạn hỏi rất nhiều câu hỏi, từ chuyện làm sao để cân bằng giữa công việc với cuộc sống đến chuyện nên chọn lựa một công việc như thế nào rồi thậm chí sang cả chuyện tình yêu hôn nhân của chị Hai :)) Trong đó có một câu hỏi mà tôi thấy rất thú vị đó là có một bạn tâm sự trong các công việc trước, em cố gắng dành nhiều tâm huyết nhưng sau đó công ty thay đổi và ngành nghề cũng thay đổi, vì vậy khi chuyển việc thì em thấy khá lo lắng không biết ngành này có trụ vững được không. Câu hỏi ấy làm tôi nhớ lại cách đây 20 năm khi lứa 8X bắt đầu phải lựa chọn ngành học Đại Học, có lẽ 7 trên 10 nhị vị phụ huynh sẽ mong ước con mình học các ngành căn bản là kinh tế quốc dân, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, ngoại giao, cảnh sát. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, trong số top 5 ngành nghề thời ấy, có ngành nghề nào với mớ kiến thức Đại Học đó còn có thể trụ vững và có được sự nghiệp nổi bật không thì tôi không chắc. Bữa nay tình cờ đọc báo cáo khá hay của World Economic Forum về top 10 kỹ năng công việc trong năm 2025, tôi mạn phép lược dịch lại một vài ý chính để các bạn cùng đọc:

1. Tốc độ ứng dụng công nghệ dự kiến sẽ không suy giảm và có thể tăng tốc ở một số ngành nghề cụ thể. 
Việc áp dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu (big data) và thương mại điện tử (e-commerce) vẫn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp, theo xu hướng đã hình thành trong những năm trước đó, nhưng đặc biệt tăng cao nhu cầu kể từ sau đại dịch. Ngoài ra, cũng đã có sự gia tăng đáng kể đối với công nghệ mã hoá (encryption), chế tạo robot công nghiệp (non-humanoid robots) trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence). Nói thêm một chút là hồi 2018 tôi có đọc báo cáo về các nước có sử dụng robot công nghiệp nhiều nhất thì thứ tự lần lượt là TQ- Nhật- Mỹ- Hàn Quốc- Đức trong đó số lượng robot của TQ bằng số lượng của Nhật-Mỹ-Hàn Quốc-Đức cộng lại. 

2. Song song với cuộc suy thoái đại dịch covid-19, tự động hoá (automation) đang tạo ra một kịch bản “gián đoạn kép” cho người lao động. 
Bên cạnh sự gián đoạn hiện tại do sự bế tắc của đại dịch gây ra và sự thu hẹp tăng trưởng của các nền kinh tế, việc các công ty áp dụng công nghệ sẽ mang đến những chuyển đổi kỹ năng lớn cho người lao động. Có tới 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết rằng họ đang chuẩn bị giảm lực lượng lao động do tích hợp công nghệ, đến năm 2025, thời lượng dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. Dựa trên những số liệu từ khảo sát, ước tính đến năm 2025 sẽ có tới 85 triệu việc làm có thể bị thay thế do sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người và máy móc. Một phần đáng kể các công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động trong 5 năm tới, vì rõ ràng là những tiêu chuẩn cũ không còn có thể tồn tại trong thời đại mới nữa.

3. Các tiêu chuẩn về kỹ năng trong công việc cũng tiếp tục thay đổi trong 5 năm tới. 
Các nhóm kỹ năng hàng đầu bao gồm các nhóm như tư duy phản biện (critical thinking) và phân tích (analysis) giải quyết vấn đề (problem-solving) và các kỹ năng trong quản lý bản thân như chủ động học hỏi (active learning), khả năng giữ sức bền (resilience), chịu đựng căng thẳng (stress-tolerance) và tính linh động (flexibility). Các công ty ước tính rằng, cứ mỗi 6 tháng thì có khoảng 40% người lao động sẽ cần đào tạo thêm các kỹ năng mới và 94% các doanh nghiệp mong đợi nhân viên có thêm các kỹ năng mới trong công việc để có thể thuận lợi thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của thời cuộc với rất nhiều tiêu chuẩn mới.

4. Có thể tự tin khẳng định một cách chắc chắn rằng, 5 năm tới chính là “đến thời tổ đãi” của các ngành nghề liên quan đến công nghệ trực tuyến (online). 
84% công ty dịch chuyển trong dòng chảy số hoá và dự kiến có tới 44% lực lượng lao động sẽ chuyển sang mô hình làm-việc-không-cần-đến-văn-phòng. 
Ví dụ như công ty chồng tôi làm việc đã thông báo rằng mọi người có thể làm việc ở nhà luôn kể từ năm nay và thậm chí còn có chi phí hỗ trợ chuyển đổi địa điểm làm việc từ văn phòng về nhà. Để giải quyết những lo lắng về năng suất lao động cũng như trạng thái tâm lý ổn định, khoảng 1/3 tổng số người sử dụng lao động cũng sẽ thực hiện các kế hoạch để tạo ra cảm giác kết nối và thân thuộc giữa các nhân viên thông qua các công cụ kỹ thuật số và giải quyết những thách thức về sức khỏe do sự thay đổi để làm việc từ xa một cách thật hiệu quả.

5. Tuy nhiên, cũng rất cần nhắc đến một thực tế đáng lo ngại rằng, nếu ngay từ bây giờ mà không có những nỗ lực chủ động để nhận định và giải quyết sớm, thì vấn nạn bất bình đẳng có thể sẽ trở nên trầm trọng do tác động kép của công nghệ và đại dịch suy thoái. 
Việc làm của những người lao động có mức học vấn thấp, phụ nữ và lao động mới ra trường sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc hơn trong giai đoạn đầu của suy thoái kinh tế. So sánh tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đối với những cá nhân có trình độ học vấn thấp hơn với tác động của khủng hoảng đại dịch covid-19, tác động lần này có sức công phá mạnh hơn đáng kể và có nhiều khả năng làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng hiện có. Vì vậy, như đã nhắn gửi tới tất cả nhân viên nữ của tôi trong buổi chia sẻ và nói chuyện, hãy đảm bảo rằng là phụ nữ thì hãy luôn độc lập về tài chính và dù có bất cứ cơ hội nào tốt hơn thì cũng đừng lựa chọn việc làm nội trợ thuần tuý. Nếu đi làm, hãy phát huy kiến thức đã có và nỗ lực phấn đấu học hỏi. Nếu ở nhà, hãy cố gắng tìm một hướng kinh doanh thêm vào chứ đừng chỉ đơn thuần đi từ bếp ra chợ và đi từ chợ về bếp. 

6. Học tập và đào tạo trực tuyến đang gia tăng nhưng có sự phân khúc khá rõ ràng với người đang có việc làm và người thất nghiệp. 
Số lượng cá nhân tìm kiếm cơ hội học tập trực tuyến tăng gấp 4 lần, nhà tuyển dụng cung cấp cơ hội học trực tuyến cho nhân viên của họ tăng gấp 5 lần và số người học truy cập trực tuyến tăng gấp 9 lần. Những người có công việc sẽ đặt trọng tâm lớn hơn vào các khóa học phát triển cá nhân, còn những người thất nghiệp tập trung nhiều hơn vào việc học các kỹ năng kỹ thuật số, như phân tích dữ liệu (data analysis), khoa học máy tính (computer science) và công nghệ thông tin (information technology) vì họ hiểu rằng những kỹ năng này sẽ giúp họ dễ kiếm việc mới.

7. Bất chấp tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, 66% các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người thông qua việc đầu tư vào nâng cao kỹ năng và đào tạo lại trong vòng một năm. 
Vì vậy cho đến thời điểm này, bất cứ nhà tuyển dụng nào mà còn giữ suy nghĩ các kỹ năng mềm là không quan trọng thì có lẽ họ nên xem lại sự nhạy bén trong nhận định của mình và có lẽ họ đã quá già cỗi về mặt tư duy. Các công ty cần đầu tư vào các thước đo tốt hơn về con người và xã hội thông qua việc áp dụng các thước đo về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và phù hợp với các thước đo mới về hoạch định nguồn vốn nhân lực. Một số lượng đáng kể các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rằng việc đào tạo lại nhân viên vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại lợi tức đáng kể từ trung và dài hạn, không chỉ cho doanh nghiệp của họ mà còn cho lợi ích của xã hội.

8. Các ngành nghề thuộc khu vực hành chính công cũng cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng cho những người lao động gặp rủi ro. 
Hiện nay, chỉ có 21% doanh nghiệp cho biết có thể sử dụng công quỹ để hỗ trợ nhân viên của họ thông qua đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, cung cấp các mạng lưới an toàn chắc chắn hơn cho những người lao động bị thay thế khi chuyển đổi công việc, và giải quyết dứt điểm những cải tiến đã bị trì hoãn từ lâu đối với hệ thống giáo dục đào tạo. Ngoài ra, điều quan trọng là các chính phủ phải xem xét các tác động dài hạn của thị trường lao động trong các quyết định liên quan đến việc duy trì, cắt giảm hoặc tiếp tục một phần hỗ trợ khủng hoảng covid-19 để có thể hỗ trợ tiền lương và duy trì việc làm. 
Bài khá dài nhưng tôi hy vọng các bạn đọc kỹ và đọc sâu để có sự chuẩn bị chắc chắn cho bản thân trong 5 năm tới. Vẫn là một câu đã cũ mà tôi đã từng nói với nhân viên của mình, đặc biệt là các nhân viên nữ, đó là đời mình như thế nào đều là do mình phác hoạ- đi nét- tô màu mà thành. Người ta vẫn cứ nói cho quen miệng là màu đen với màu trắng, nhưng bạn nào học mỹ thuật và thiết kế đồ hoạ đều biết, trong chuyên ngành không ai gọi đen và trắng là màu (color) mà gọi là sắc thái (shade), vì thế cuộc sống này càng lúc càng cần nhiều kỹ năng như cần bảng màu nhiều màu sắc để hoạ lên được những bức tranh đa diện. Tính cách một người có thể kiên định trắng đen, nhưng kỹ năng của một người thì cần rất rất rất rất nhiều sự đa sắc để có thể thành công trong dòng chảy thời đại. 

Nguồn bài viết gốc (English); https://bit.ly/31pFzTC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[LUYỆN NGHE TIẾNG ANH] AUDIO+TRANSCRIPT BÀI NÓI CỦA EMMA WATSON

GỢI Ý TOP 5 CÔNG CỤ KIỂM TRA TRÌNH ĐỘ TIẾNG ANH MIỄN PHÍ

TUYỂN TẬP CÁC CÂU GIAO TIẾP TIẾNG ANH THÔNG DỤNG CỦA NGƯỜI MỸ [1]

TƯ VẤN LỘ TRÌNH HỌC TIẾNG ANH TIẾT KIỆM VÀ TỐI ƯU